An sinh xã hội, Phòng chống dịch bệnh
Một khi đã mắc phải bệnh dại thì đều có nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên, nếu biết được phương thức lây truyền bệnh dại và cách phòng bệnh thì sẽ có thể giảm thiểu được nguy cơ mắc bệnh.
1. Bệnh dại là gì?
Dại là bệnh nhiễm virus cấp tính gây ra bởi virus dại. Bệnh dại không lây từ người này sang người khác mà thường lây qua vết cắn từ động vật bị nhiễm bệnh. Nó cũng có thể lây lan nếu nước bọt của động vật tiếp xúc trực tiếp với mắt, mũi, miệng hoặc vết thương hở của con người.
Bệnh dại ở người hay động vật đều vô cùng nguy hiểm, bởi khi đã nhiễm virus dại thì khả năng tử vong của người bệnh gần như là 100%. So với con người thì động vật có nguy cơ mắc bệnh dại cao hơn, đặc biệt là các động vật hoang dã, hoặc là chó và mèo là những vật nuôi phổ biến trong gia đình.
Tại Việt Nam, chó là nguồn lây bệnh dại chủ yếu (chiếm 96-97%) và mèo chiếm khoảng 3- 4%.
2. Bệnh dại lây qua đường nào?
Trên thực tế có nhiều người không biết bệnh dại lây qua đường nào? Điều này rất nguy hiểm, khiến cho nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Theo các bác sĩ thì con đường lây nhiễm bệnh dại có nhiều nhưng chủ yếu thông qua chất tiết của động vật, cụ thể:
- Bệnh dại lây qua da: Con đường lây truyền bệnh dại ở động vật sang bệnh dại ở người có thể thông qua vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách từ đó theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương. Khi đến thần kinh trung ương, virus dại sẽ sinh sản rất nhanh rồi lại theo dây thần kinh ra tuyến nước bọt. Khi đó, thần kinh chưa bị tổn thương đáng kể vì thế nhìn bề ngoài con vật vẫn bình thường nhưng nước bọt đã có virus dại. Sau đó, virus dại hủy hoại dần các tế bào thần kinh làm xuất hiện các triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh dại ở người.
- Lây truyền qua niêm mạc: Virus gây bệnh dại ở người có thể lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp nước bọt của động vật nhiễm virus dại bắn trực tiếp vào niêm mạc ở mắt, mũi, miệng của con người.
- Qua không khí: Người hít phải virus dại là một trong những cách phơi nhiễm tiềm ẩn tuy nhiên ngoại trừ nhân viên phòng thí nghiệm thì hầu hết mọi người không bị lây nhiễm qua con đường này.
Con đường lây truyền bệnh dại ở động vật sang bệnh dại ở người có thể thông qua vết cắn
Bệnh dại ở người sẽ không có khả năng lây nhiễm trong các trường hợp sau:
- Bệnh dại ở người lây truyền qua ghép giác mạc và ghép tạng đã được ghi nhận, nhưng chúng cũng rất hiếm.
- Vết cắn từ người bị nhiễm bệnh về mặt lý thuyết có thể truyền bệnh dại, nhưng không có trường hợp nào được ghi nhận. Tiếp xúc thông thường, chẳng hạn như chạm vào người bị bệnh dại, tiếp xúc với chất lỏng hoặc mô (nước tiểu, máu, phân) qua da bình thường thì sẽ không có nguy cơ bị nhiễm virus dại.
- Virus bệnh dại ở người sẽ không truyền nhiễm khi ở dạng khô và dưới ánh sáng mặt trời. Các điều kiện môi trường khác nhau cũng ảnh hưởng đến tốc độ virus hoạt động.
3. Biện pháp dự phòng bệnh dại
Để dự phòng bệnh dại thì cần tích cực tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho người dân như cung cấp những thông tin đầy đủ về bệnh dại và cách phòng chống bệnh dại, đặc biệt việc phát hiện động vật bị bệnh dại, cách xử lý vết thương sau khi tiếp xúc, tư vấn tiêm vắc- xin phòng dại. Ngoài ra, cần phải:
- Trường hợp động vật đã được xác định mắc bệnh dại cần phải tiêu hủy ngay để ngăn chặn sự lây truyền bệnh sang động vật khác, đặc biệt lây truyền sang người.
- Cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại.
- Vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng, cũi, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, môi trường thức ăn, chất thải, các vật dụng khác đã tiếp xúc với con vật mắc bệnh.
- Tất cả chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch phải được nhốt, theo dõi.
- Tiêm bắt buộc cho chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch và các thôn tiếp giáp, tiêu hủy những con chó, mèo nếu không tiêm.
- Tất cả những người bị chó, mèo cắn, cào, liếm hoặc tiếp xúc với dịch tiết nhiễm bệnh phải thực hiện nghiêm ngặt việc xử lý vết thương, khám, tư vấn, điều trị dự phòng phù hợp