CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Phường Lê Đại Hành tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về Luật căn cước có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 và Luật đất đai sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025
Ngày đăng 19/04/2024 | 15:27  | Lượt xem: 1130

Thực hiện kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 20/3/2024 về công tác tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn phường. Chiều ngày 17/4/2024, tại trụ sở UBND phường số 302 phố Bà Triệu, UBND phường tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về: Luật Căn cước có hiệu lực ngày 01/7/2024; Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực ngày 01/01/2025.       

 

  Dự hội nghị có đồng chí Đào Thị Thu Hoàn – PCT UBND phường; đồng chí  Nguyễn Quang Tuyến - PGS-TS Phó chủ tịch Hội đồng trường kiêm Trưởng khoa Pháp luật kinh tế trường Đại học Luật Hà Nội là giảng viên của hội nghị. Các ông bà Trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội; Trưởng ban TTND phường, các ông/bà cán bộ cơ sở tổ dân phố và các đồng chí công chức UBND phường;

         

 Để hiểu rõ thêm về tầm quan trọng khi thực hiện về thực hiện Luật Đất đai có hiệu lực ngày 01/01/2025 và  Luật Căn Cước có hiệu lực ngày 01/7/2024. Đồng chí giảng viên đã trao đổi một số nội dung tại hội nghị như Luật Đất đai của Việt Nam từ trước đến nay đã trải qua các thời kỳ như:

    (1) Luật Cải cách ruộng đất 1953

      Ngày 04/12/1953, Quốc hội ban hành Luật Cải cách ruộng đất 1953.

(2) Luật Đất đai 1987

      Ngày 29/12/1987, Quốc hội ban hành Luật Đất đai 1987 có hiệu lực từ ngày 08/01/1988.

      Luật Đất đai 1987 quy định về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai và quyền sử dụng đất.

      Theo Luật này, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

(3) Luật Đất đai 1993

      Ngày 14/07/1993, Quốc hội ban hành Luật Đất đai 1993 có hiệu lực từ ngày 15/10/1993 và thay thế Luật Đất đai 1987.

(4) Luật Đất đai 2003

      Ngày 26/11/2003, Quốc hội ban hành Luật Đất đai 2003 quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

      Luật Đất đai 2003 có hiệu lực từ ngày 01/07/2004 và thay thể Luật Đất đai 1993.

(5) Luật Đất đai 2013

      Ngày 29/11/2013, Quốc hội ban hành Luật Đất đai 2013 quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

      Luật Đất đai 2013 có hiệu lực từ ngày 01/07/2014 và thay thể Luật Đất đai 2003.

(6) Luật Đất đai 2024

     Ngày 18/01/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai 2024 với số phiếu tán thành là 432/477 đại biểu có mặt (chiếm 87,63% tổng số đại biểu Quốc hội).

      Luật Đất đai năm 2024 là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật về đất đai của Việt Nam, góp phần đảm bảo sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội.

      Luật Đất đai (Luật số 31/2024/QH15) gồm 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều.

    Hội nghị cũng đã được nghe một số trao đổi về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật căn cước.  Luật Căn cước công dân năm 2014 là văn bản pháp lý quan trọng trong công tác quản lý dân cư, căn cước, tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại… Tuy nhiên, qua hơn 07 năm triển khai thi hành, Luật đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần giải quyết; nhất là việc sửa đổi, bổ sung quy định để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ở nước ta theo Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030).

     Theo đó, 10 điểm mới của Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 gồm những nội dung sau:

1. Chính thức đổi tên Căn cước công dân thành Căn cước (Điều 3).

2. Giá trị sử dụng của Thẻ căn cước công dân, Chứng minh nhân dân đã được cấp (Điều 46):

   - Thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày 1/7/2024 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

   - Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

   - Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng.

3. Chứng minh nhân dân hết hiệu lực từ 1/1/2025 (Điều 46):

  - Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến ngày 31/12/2024.

4. Bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ căn cước (Điều 18):

   -Thẻ Căn cước mới đã bỏ thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng, thay vào bằng thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú

5. Mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước (Điều 18 và Điều 19):

   - Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

   - Công dân Việt Nam có nơi cư trú gồm nơi thường trú hoặc nơi tạm trú hoặc nơi ở hiện tại được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (thẻ căn cước mới thay thông tin nơi thường trú bằng thông tin nơi cư trú).

6. Cấp thẻ Căn cước cho người dưới 06 tuổi (Điều 23):

   - Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia.

   - Không thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi.

7. Bổ sung quy định cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch (Điều 3 và Điều 30):

   - Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam, chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam từ 06 tháng trở lên.

   - Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam

8. Bổ sung quy định cấp Căn cước điện tử (Điều 31 và Điều 33):

   - Mỗi công dân Việt Nam được cấp 1 Căn cước điện tử. Căn cước điện tử của công dân được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (VNeID).

   - Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

9. Bổ sung quy định thu thập thông tin sinh trắc học (Điều 16 và Điều 23):

   - Thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân từ đủ 06 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.

   - Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp khi thực hiện thủ tục cấp căn cước.

10. Bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước (Điều 22):

   - Thông tin tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

   - Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp thẻ căn cước.

   - Việc sử dụng thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.  Do vậy, cần thiết phải sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta.

 

       Trong thời gian hơn 2 tiếng, hội nghị đã nghe đồng chí giảng viên trao đổi về tầm quan trọng của việc thực hiện về Luật Đất đai và Luật Căn cước. Với mong muốn nội dung này được tuyên truyền sâu rộng tới các cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn phường. UBND phường đề nghị các ông bà dự hội nghị tiếp tục tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn phường.