CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - ĐÔ THỊ CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - ĐÔ THỊ

Hơn 490.000 hợp đồng điện tử đã được chứng thực
Publish date 17/10/2024 | 07:19  | Lượt xem: 113

Tính đến hết tháng 8-2024, hơn 490.000 hợp đồng điện tử đã được chứng thực, với sự tham gia của gần 49.000 doanh nghiệp

 

Thông tin trên được nêu tại diễn đàn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử với chủ đề “Phát triển hợp đồng điện tử an toàn”, do Bộ Công Thương tổ chức sáng 15-10, tại Hà Nội.

ba-oanh-15.10.jpg
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh. Ảnh: L.G

Theo Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh, giao kết hợp đồng trên môi trường điện tử cũng là một trong những vấn đề mấu chốt của quy định pháp luật về giao dịch điện tử. Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và văn bản hướng dẫn đã đưa ra những quy định đảm bảo giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, chứng thực hợp đồng điện tử.

Trong quá trình thực thi, đã có 11 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA) đã được xác nhận đăng ký.

Các tổ chức CeCA cung cấp hạ tầng số được bảo vệ bởi các công nghệ xác thực và tin cậy, hướng tới kết nối kỹ thuật và hỗ trợ bên thứ 3 (như cơ quan thuế, ngân hàng, tổ chức tài chính và cơ quan giải quyết tranh chấp) thực hiện nghiệp vụ liên quan.

Tổ chức này đóng vai trò bảo vệ giá trị pháp lý cho hợp đồng điện tử. Tính đến hết tháng 8-2024, hơn 490.000 hợp đồng điện tử đã được chứng thực, với sự tham gia của gần 49.000 doanh nghiệp, minh chứng cho sự phát triển tích cực của dịch vụ này.

15.10-hd-an-toan-2.jpg
Các doanh nghiệp trao đổi thông tin về hợp đồng điện tử tại sự kiện. Ảnh: L.G

Ông Đỗ Kế Công - Giám đốc Trung tâm Chữ ký số và hợp đồng điện tử VNPT cho biết, từ năm 2009, VNPT đã cung cấp nền tảng VNPT eContract và giải pháp ký số từ xa (remote signing).

Đến năm 2024, hơn 1 triệu hợp đồng điện tử trong nhiều lĩnh vực: Viễn thông, điện, nước, ngân hàng, chứng khoán, vận tải... đã được thực hiện. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng gặp phải những khó khăn khi áp dụng hợp đồng điện tử, như chi phí, thủ tục phức tạp, và thiếu sự chấp nhận từ các bên thứ ba (như cơ quan thuế, kho bạc).

Các diễn giả tại diễn đàn thống nhất rằng, để tối ưu hóa hiệu quả của công nghệ này, sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức liên quan là điều không thể thiếu.

Sự hợp tác này không chỉ giúp khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ mà còn đảm bảo tính minh bạch và an toàn cho các giao dịch điện tử, từ đó thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng vào nền kinh tế số...