TIN TỨC - SỰ KIỆN
Tiết kiệm, chống lãng phí đã được Hiến pháp năm 2013 quy định : “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước”.
Đi đôi với thực hành tiết kiệm là chống lãng phí và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tác hại của nạn lãng phí, đó là :“Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn hại hơn nhiều, nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...”. Người nhiều lần nhấn mạnh: Lãng phí không phải chỉ là tiêu tốn tiền của, mồ hôi nước mắt của Nhân dân, mà nguy hiểm hơn là tham ô, lãng phí và quan liêu là thứ “giặc nội xâm” nguy hiểm, làm tha hóa, suy thoái đạo đức cách mạng, phá hoại tinh thần trong sạch, ý chí vượt khó của cán bộ, đảng viên, là nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an nguy quốc gia và sự tồn vong của chế độ”.
Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Từ thực trạng hiện nay cho thấy: việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn là vấn đề phức tạp, chi phối đến mọi mặt của đời sống xã hội; tiết kiệm, chống lãng phí chưa thực sự trở thành ý thức tự giác của mỗi người; việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đôi khi vẫn còn mang tính hình thức. Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay dù hoạt động ở bất kỳ lĩnh vực nào đều phải sử dụng tài chính, vật tư, phương tiện công. Những thứ đó đều là tài sản của Nhà nước; xuất phát từ mồ hôi, công sức, sự đóng góp của Nhân dân. Với bản thân, người cán bộ, đảng viên trên mọi cương vị công tác phải luôn coi việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung và về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải có trách nhiệm tiết kiệm chi tiêu, nâng cao hiệu quả sử dụng vật tư, tài chính từ những việc nhỏ nhất trong công việc hằng ngày, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của người dân, sự đóng góp của tập thể và kể cả công sức của mình như xây dựng chi tiêu có mục đích, có kế hoạch. Muốn vậy, mỗi cán bộ, công chức và người lao động trong cơ quan phải không ngừng tự trau dồi đạo đức, tìm hiểu quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ của cơ quan để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Có khi chỉ là hành động như thực hiện nội quy của cơ quan khi ra khỏi phòng tắt hết các thiết bị điện, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phát hành văn bản, tiết kiệm giấy tờ, sử dụng tái chế các loại giấy, tăng cường khai thác, bảo quản, vệ sinh tài sản, cơ sở vật chất để tăng thời gian sử dụng. Chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải được cụ thể hóa trên các mặt hoạt động và có nhiều hình thức tiết kiệm thiết thực; tránh mọi biểu hiện chung chung, chồng chéo không có người chịu trách nhiệm như việc mua sắm, trang bị và sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc, phương tiện thông tin liên lạc.
Tăng cường chế độ kiểm tra của công đoàn đề nghị khen thưởng, phê bình để tạo động lực trong việc triển khai tốt công việc và mang tính răn đe đối với người chưa thực hiện nghiêm,…Cùng với đó vận động gia đình, người thân tích cực tham gia thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chấp hành nghiêm các quy định của địa phương về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư,
Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu phải là người tiên phong, gương mẫu trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan và dân chủ tại cơ sở, theo phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”; xây dựng môi trường tập thể lành mạnh, có kỷ cương, kỷ luật và sự đoàn kết, thống nhất cao, trên dưới một lòng, chung sức xây dựng cơ quan vững mạnh. Nhất là trong dịp Tết đến xuân về, tăng cường phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc vui xuân đón Tết Ất tỵ 2025.