DI TÍCH LỊCH SỬ
Kinhtedothi-“Lịch sử có xu hướng ngày càng xa với con trẻ, nên chúng tôi tìm cách để môn học gần gũi, học sinh tiếp cận tự nguyện nhưng cũng phải thấy phấn khích. Điều đó thật gian nan, nhưng mưa dầm thấm lâu..."- Hiệu trưởng trường Tiểu học Trưng Trắc (quận Hai Bà Trưng) Đoàn Thị Thúy Giang chia sẻ.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ quận lần thứ XXV (nhiệm kỳ 2015-2020) và chỉ đạo của Ban Thường vụ Quận ủy về việc đưa lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy trong nhà trường, công tác giáo dục Lịch sử truyền thống quận Hai Bà Trưng đã được ngành giáo dục quận, nhất là các nhà trường đặc biệt quan tâm với nội dung, hình thức rất phong phú.
Học tập trong không gian lịch sử văn hóa
Khảo sát tại trường Tiểu học Trưng Trắc (phường Đồng Nhân), phóng viên được biết mỗi năm học đều ít nhất 3 dịp học sinh (HS) được tham quan thực tế, tìm hiểu tại Cụm di tích Đình-Đền-Chùa Hai Bà Trưng trên địa bàn phường. Đó là dịp Lễ hội kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng do chính quyền địa phương tổ chức (tháng 2 âm lịch), dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, dịp đầu năm học mới. Mỗi lần, 1-2 khối được chọn, để trong năm thì HS toàn trường đều được tham dự những hoạt động ý nghĩa này. Không cần đi xa, ngay nơi các em đang học tập có một di tích rất giàu truyền thống lịch sử như vậy, nên từ HS lớp 1 đã được giới thiệu về lịch sử Cụm di tích; tiếp đó mỗi năm đều được giới thiệu với mức độ, nội dung khác nhau phù hợp nhận thức, tâm sinh lý lứa tuổi.
Riêng lớp 4, 5 có môn học Lịch sử và Đạo đức, nhà trường xây dựng kế hoạch đặc thù, một số tiết Lịch sử được thực hiện ngoài trời, cho các em vừa học vừa được sống trong không gian lịch sử văn hóa của Cụm di tích, nhanh “ngấm” bài học. Trường đang lên kế hoạch cuối năm học này tổ chức cho HS tham dự dâng hương báo công ở Đền thờ Hai Bà Trưng và xem biểu diễn tích tuồng tái hiện cuộc khởi nghĩa của Hai Bà, giúp các con dễ nhớ vì “trăm nghe không bằng một thấy”.
Cùng đó, trường quan tâm xây dựng riêng một kế hoạch học tập lồng ghép, tổ chức cho HS thi tìm hiểu về những con phố mang tên danh nhân, trước hết tại phường, sau đó trên địa bàn quận và Thủ đô. Mỗi bài học có thể gắn với riêng 1 danh nhân, liên hệ thực tế. Hầu hết con phố trên địa bàn đều được giáo viên (GV) lồng ghép vào bài học Lịch sử để giảng cho HS. Từ chỗ chưa biết, đến khi GV có cơ hội nghiên cứu, giảng bài và HS được truyền đạt lại thì cô, trò đều thấy rất xúc động, tự hào.
Đặc biệt, Ban giám hiệu đã sớm ban hành Kế hoạch triển khai giáo dục lồng ghép Lịch sử địa phương bám sát “Tập bài giảng Lịch sử truyền thống cách mạng quận Hai Bà Trưng” do Đảng bộ quận phát hành. Một bài giảng triển khai chung, nhưng mỗi khối lấy một nội dung phù hợp, để sau 5 năm hoàn thành Tiểu học thì HS được học hết tập sách này, có kiến thức mở rộng hơn và có kiến thức được đào sâu hơn, phù hợp lứa tuổi. GV nghiên cứu kỹ tập bài giảng, họp chuyên môn, để có giáo án cụ thể lồng ghép, phân bố tỉ mỉ nội dung Lịch sử này vào tất cả tiết học của các môn cho phù hợp, hoặc xây dựng thành tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ, hoạt động trải nghiệm...
“Lịch sử có xu hướng ngày càng xa dời, không hấp dẫn con trẻ, nên chúng tôi tìm cách để môn học trở nên gần gũi, HS tiếp cận tự nguyện nhưng cũng phải thấy phấn khích. Làm được điều đó thật gian nan, nhưng mưa dầm thấm lâu, chúng tôi cố gắng sao cho truyền đạt 10 phần thì các con “ngấm” được 7-8 phần đã là rất tốt”, Hiệu trưởng Đoàn Thị Thúy Giang chia sẻ.
theo Ban giám hiệu, Kế hoạch giáo dục lồng ghép Lịch sử địa phương cho cả năm học được nhà trường chủ động xây dựng phù hợp từng khối lớp, với nội dung nào được lồng ghép từng bài học, tiết dạy nào... Chẳng hạn môn Tự nhiên-Xã hội, từ lớp 1 đã lồng ghép nội dung này: Nơi gia đình em đang sống, quận Hai Bà Trưng có di tích lịch sử gì, giới thiệu tên gọi Hai Bà Trưng... Hai mảng chuyên môn và ngoại khóa được đưa vào thành kế hoạch chung, để triển khai giảng tập tài liệu Lịch sử địa phương quý giá này, mà không phải quận/huyện nào cũng có được như ở quận Hai Bà Trưng.
“Đây là năm thứ tư triển khai giáo dục lồng ghép Lịch sử địa phương, mà để có được kết quả hôm nay, Phòng GD&ĐT quận đã tổ chức tập huấn, thử nghiệm rất nhiều, sau đó nhà trường lập được kế hoạch cụ thể, dài hơi như vậy. Kế hoạch theo khung cơ bản và có điều chỉnh phù hợp từng năm, nhất là với hoạt động ngoại khóa phải rất linh hoạt để mỗi năm các con được tham gia nội dung khác nhau, có khi mời cả chuyên gia về tư vấn để thay đổi phù hợp, gây hứng thú cho HS”
(Hiệu trưởng trường Tiểu học Trưng Trắc Đoàn Thị Thúy Giang)
Vận dụng sáng tạo, hình thức đa dạng
Theo Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền, Phòng đã chỉ đạo các nhà trường quan tâm tuyên truyền về giáo dục Lịch sử truyền thống địa phương đến cán bộ, GV, nhân viên, cha mẹ HS, nhất là để phụ huynh phối hợp thực hiện, bằng các hình thức: Đưa nội dung giảng dạy lên website của trường, triển khai trong họp Hội đồng sư phạm, họp phụ huynh cuối học kỳ I… Đến nay, các trường đều thực hiện tốt việc tuyên truyền, tạo được đồng thuận cao khi triển khai kế hoạch.
Có thể thấy, việc dạy Tập bài giảng đã được các trường giao cho Ban Thiếu niên, GV vận dụng sáng tạo, bằng hình thức đa dạng: Tuyên truyền vào chào cờ thứ Hai hằng tuần, các tiết giáo dục ngoài giờ lên lớp, dạy lồng ghép theo đúng các tiết đã xây dựng trong kế hoạch dạy và học ở tiết ngoại khóa (tham quan, thuyết minh thực tế ở nơi diễn ra sự kiện, nơi có di tích, xem băng hình, nghe nhân chứng Lịch sử nói chuyện, tổ chức thi tìm hiểu, hỏi đáp, thi kể chuyện Lịch sử địa phương…) Qua đó đã góp phần hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống văn minh thanh lịch cho cả GV, HS.
“Đáng chú ý, các GV đã quan tâm đổi mới phương pháp giảng dạy, chủ động, tạo điều kiện cho HS phát huy tối đa khả năng sáng tạo, tích cực học tập, tham gia các hoạt động một cách nhẹ nhàng, hiệu quả. Khi chọn nội dung giảng, cô giáo chú ý đi sâu vào sự kiện những nội dung Lịch sử đã biên soạn trong Tập bài giảng nhưng gắn với bối cảnh lịch sử chung đất nước để HS dễ hiểu, dễ nhớ; đồng thời có giá trị giáo dục truyền thống, khích lệ tuổi trẻ. Tùy nội dung, đặc điểm, khả năng thực hiện tích hợp giáo dục truyền thống lịch sử quận trong mỗi môn học để chọn mức độ tích hợp phù hợp. Các nhà trường còn tranh thủ giúp đỡ của Đảng ủy, UBND, Hội CCB phường và BQL di tích lịch sử của địa phương trong sưu tầm, cung cấp tài liệu, nói chuyện truyền thống về Lịch sử địa phương”- bà Nguyễn Thị Thu Hiền thông tin.